Trong khi nhiều loại nông sản không tiêu thụ được do ảnh hưởng của Covid-19 thì ngay tại huyện Hớn Quản, sản phẩm chuối cấy mô (Cavendish) của Công ty Union Trading vẫn có thị trường ổn định tại các thị trường ngoài nước.
Mô hình liên kết hợp tác trồng chuối cấy mô Cavendish để xuất khẩu một lần nữa khẳng định làm nông là phải hướng đến những gì thị trường cần, đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, phải chủ động được đầu ra để không cần phải giải cứu khi gặp điều kiện bất lợi.
Sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ nhà nông đủ điều kiện
Tháng 5.2020, 80ha chuối Cavendish (chuối già Nam Mỹ) của Công ty TNHH TMDV Union Trading được trồng xen trong lô cao su theo dự án nông nghiệp công nghệ cao do Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long làm chủ đầu tư.
Sau 15 tháng chăm sóc theo quy trình công nghệ cao, vườn chuối cho thu hoạch 2 vụ với năng suất bình quân 90 tấn. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Ông Đỗ Hữu Dự – Trưởng ban quản lý nông trại chuối cấy mô Cavendish Union Trading cho biết, tại đây Union Trading xây dựng một quy trình chặt chẽ từ việc nhân giống, cấy mô cho đến quy trình sản xuất, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động của Isarel, hệ thống châm phân tự động… chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học, hạn chế sự tác động của thuốc bảo vệ thực vật. Và nếu có sử dụng thì trong danh mục cho phép. Đây là yêu cầu của thị trường và khách hàng đối tác nước ngoài.
Tiếp nối sự thành công bước đầu của dự án, tháng 7.2021 vừa qua dự án (nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) trồng chuối cấy mô Cavendish tiếp tục được mở rộng chuyên canh thêm 70ha ở ấp Đông Hồ, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước).
Chu kỳ thu hoạch của chuối cấy mô từ F0 đến F4 là 30 tháng, năng suất bình quân của mỗi hecta chuối trồng chuyên canh theo chu kỳ 15 tháng là 90 tấn. Nếu tính giá thu mua thấp nhất của thị trường là 5.500 đồng/ký thì mỗi ha chuối cấy mô cho lợi nhuận dao động từ 120-150 triệu đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hớn Quản – Trần Hải Hà cho biết, đây là mô hình có thể hợp tác mở rộng với nhà nông nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, từ quy trình kỹ thuật canh tác đến đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch.
“Chúng tôi nhận thấy khả năng bà con hợp tác với Công ty thực hiện mô hình trồng chuối này rất là khả thi, chỉ cần có từ 3-5ha trở lên. Về kỹ thuật thì Công ty hỗ trợ miễn phí cho bà con nông dân. Khu vực Hớn Quản có nhiều diện tích đất đỏ bazan… thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn trái ngắn ngày, đặc biệt đó là cây chuối”, ông Hà nói.
Dù diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nhưng nhu cầu tiêu thụ chuối trên thị trường thế giới chưa bao giờ ngừng tăng. Thị trường tiêu thụ chuối mạnh nhất hiện nay là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Đầy tiềm năng nhưng cũng hết sức khó tính. Nên để vào được đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ cây giống đến quy trình chăm sóc và cuối cùng là sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc. Người tiêu dùng phải biết được sản phẩm mình đang dùng sử dụng loại phân, thuốc gì, hàm lượng ra sao, thu hái, chế biến, bảo quản sau thu hoạch như thế nào.
Do vậy mức đầu tư cho mỗi hecta chuối cấy mô theo mô hình công nghệ cao lên đến 300 triệu đồng. Điều kiện khi hậu thổ nhưỡng của Bình Phước khá lý tưởng cho việc trồng chuối, tuy nhiên người trồng phải đảm bảo được nguồn nước tưới và chống gãy đổ khi gặp lốc xoáy.
“Khắc phục được những nhược điểm trên thì vùng đất của Hớn Quản Bình Phước phát triển cây chuối rất tốt. Từ tiêu chuẩn xuất khẩu đến chất lượng sản phẩm đều rất hợp với vùng đất Hớn Quản của Bình Phước”, ông Dự từ Union Trading nhận định.
Mở rộng phát triển từ thành công bước đầu
Công ty TNHH TMDV Union Trading đang có nhu cầu mở rộng 400ha chuối trên địa bàn huyện Hớn Quản để đáp ứng không chỉ nhu cầu xuất khẩu mà còn liên kết với đối tác để xây dựng nhà máy chế biến tinh bột chuối.
Diện tích trồng chuối chuyên canh 70ha hiện tại chỉ là mô hình điểm, khi nông dân có nhu cầu sẽ được chuyển giao từ nguồn giống, phân bón đến quy trình kỹ thuật chăm sóc.
Trong đó cây giống và phân bón được công ty hỗ trợ cho nợ 50% cho đến khi thu hoạch. Sản phẩm sau thu hoạch được thu mua theo giá trị trường và bao tiêu ở mức thấp nhất là 5.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, người nông dân muốn hợp tác phải đảm bảo theo quy hoạch của chính quyền địa phương và quy trình kỹ thuật canh tác của công ty đưa ra.
“Mục đích là tạo một vùng nguyên liệu ổn định và xa hơn nữa thì chúng tôi đã có đối tác nước ngoài để phát triển xây dựng nhà máy bột chuối ở trên địa bàn”, ông Dự cho biết thêm.
Theo ước tính của Union Trading, mỗi hecta chuối đều được đầu tư theo quy trình công nghệ cao ở mức 300 triệu đồng. Còn với người nông dân, mức đầu tư sẽ thấp hơn vì không mất phí đầu tư như dây chuyền sấy, rửa sản phẩm sau thu hoạch. Ngay cả hệ thống nước tưới cũng có thể tiết giảm.
Lợi nhuận mỗi hecta trồng chuối có thể trồng chắc ít nhất là 120 triệu đồng sau 15 tháng. Tuy nhiên, Union Trading cho biết chi phí đầu tư trồng chuối công nghệ cao khá lớn như hệ thống, phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật đều tự động hoàn toàn.
Nếu trồng với diện tích ít, chi phí ban đầu có thể đội lên 400 triệu đồng/ha. Mặc khác trong quá trình thực hiện liên kết, người nông dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, không chạy theo lợi nhuận. Sản phẩm đảm bảo chất lượng vượt chuẩn mới được thu mua để xuất khẩu.
Để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu cần hội đủ rất nhiều yếu tố mà người nông dân không thể đơn độc làm được. Chính vì vậy vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã được nhấn mạnh, xem như giải pháp khắc phục bài toán manh mún của nông nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên để liên kết hiệu quả cần phải có nhạc trưởng và người nông dân phải tuân thủ nghiêm túc những yêu cầu của đối tác. Đây là điều khó nhưng không phải không làm được nếu muốn nghĩ đến một nền nông nghiệp hiện đại, tiệm cận với thế giới.
Nguồn: Chương trình Nông nghiệp Nông thôn – Đài truyền hình Bình Phước