Giá trị xuất khẩu chuối trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 260 triệu USD, tăng gần 60% so với cùng kì 2021, theo ước tính của BSAi. Trong đó, xuất khẩu riêng trong tháng 4.2022 đạt hơn 94 triệu USD, cao nhất từ đầu năm.
Nguyên nhân chủ yếu của việc xuất khẩu chuối tăng mạnh là biến động từ nguồn cung chuối nội địa Trung Quốc. Các chính sách về đất thuê nông nghiệp và chi phí lao động tăng khiến diện tích trồng chuối giảm. Dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối nội địa giảm mạnh, từ đó thúc đẩy nhập khẩu chuối Việt Nam.
Trung bình, giá chuối xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc dao động khoảng 0,5-0,6 USD/kg. Đặc biệt hơn, giá của một số đơn hàng chuối xiêm tươi có thể lên đến 4-4,3 USD/kg và vận chuyển chủ yếu bằng đường hàng không.
Bên cạnh đó, cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đến Singapore ước tính đạt gần 9 triệu USD, tăng hơn gấp 2 lần so với 4 triệu USD của cùng kì 2021. Giá xuất khẩu trung bình vào khoảng 0,6-0,65 USD/kg, gồm bao bì và đóng gói. Nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh bất ổn hiện tại đã tác động lớn đến việc nước này tăng cường nhập khẩu các loại nông sản.
Hiện nguồn cung tại nước này chỉ đáp ứng 10% nhu cầu lương thực nội địa. Singapore đang thực hiện kế hoạch tự chủ lương thực bằng nhiều cách như phê chuẩn thương mại các loại thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và tăng đầu tư các khu vực trồng rau trong nhà, dự kiến đến năm 2030 sẽ nâng nguồn cung thực phẩm nội địa lên 30% nhu cầu. Tuy vậy, chưa có nhiều giải pháp được đưa ra cho trái cây ngoài việc tiếp tục nhập khẩu.
Kề Singapore, Malaysia cũng là một thị trường mà các doanh nghiệp xuất khẩu chuối Việt Nam có thể lưu ý. Giá trị xuất khẩu chuối đến Malaysia ước tính đạt 1,9 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với 1,8 triệu USD của cùng kì 2021.
Theo dữ liệu của The Observatory of Economic Complexity (OEC), trong năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu chuối của Malaysia là 10,3 triệu USD, tuy vậy, nước này đã nhập khẩu 14,4 triệu USD chuối. Trong đó, Việt Nam cung cấp khoảng 45%, tương đương 6,7 triệu USD, tiếp theo là Philippines 35% và Indonesia 10%. Do dịch Covid19 bùng phát nghiêm trọng, giá trị xuất khẩu chuối Việt Nam đến Malaysia trong cả năm 2021 giảm còn khoảng 3,2 triệu USD.
Đối với thị trường Nga, sản phẩm chuối chủ yếu xuất khẩu đến thị trường này là loại sấy nguyên trái hoặc cắt lát, tương tự như mặt hàng mít và xoài cũng xuất khẩu đến thị trường này. Trong nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đến Nga đạt hơn 1,8 triệu USD, giảm 15% so với 2,1 triệu USD so với cùng kì 2021.
Cây chuối còn có các phụ phẩm có tiềm năng xuất khẩu không kém trái, đơn cử là lá chuối. Theo dữ liệu BSAi thu thập được, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu lá chuối ước tính hơn 250.000 USD, chủ yếu đến thị trường Mỹ, Úc, Thụy Sỹ và Nhật Bản.
Trước đây, nhu cầu mua lá chuối chủ yếu tập trung ở cộng đồng người Việt và người Hoa, đặc biệt tăng cao vào trước dịp Tết Nguyên đán. Nhưng những năm gần đây nhu cầu sử dụng lá chuối tại nước ngoài trở nên đa dạng hơn.
Ngoài việc dùng để gói các loại bánh, lá chuối còn được sử dụng để trang trí trong nhà hoặc trang trí món ăn, đặc biệt tại các nhà hàng châu Á. Song song đó, với xu hướng tim kiếm các giải pháp bao bì mới, thân thiện với môi trường và có khả năng thay thế bao bì nhựa dùng một lần, lá chuối cũng là một lựa chọn được cân nhắc.
Giá lá chuối thu mua trong nước dao động 5.000-7.000 đồng/kg, còn giá bán lá chuối xuất khẩu vào khoảng 1,8-2 USD/kg tương đương (41.000-46.000 đồng/kg). Lá chuối xuất khẩu có các loại có bề ngang 20-30cm, là chuối tây và cần tuân thủ theo các quy định kiểm dịch cùng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Xuất khẩu thanh long giảm nhưng vẫn “đứng đầu
Vẫn theo số liệu thống kê từ BSAi, tính đến hết quý 2/2022, tổng giá trị xuất khẩu 11 loại trái cây tươi có giá trị xuất khẩu cao nhất ước tính giảm gần 20% so với cùng kì năm 2021. Các loại có giá trị xuất khẩu giảm mạnh gồm nhãn (giảm 90%), chôm chôm (70%), dưa hấu (63%), xoài (63%) và thanh long (35%). Trong khi đó, các loại trái cây ghi nhận có mức tăng tốt so với cùng kỳ năm trước bao gồm bưởi, bơ, chuối và sầu riêng, tăng 40-80% mỗi loại.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, ước tính chiếm hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu các loại trái cây Việt Nam. Mặt hàng trái cây được ưa chuộng tại đây gồm thanh long, ước đạt 370 triệu USD, giảm gần 40% so cùng kì 2021; chuối đạt 240 triệu USD, tăng 60% và mít đạt 103 triệu USD, tương đương cùng kì 2021.
Sầu riêng, loại trái cây được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu lớn vượt cả thanh long, đã có Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch đến Trung Quốc. Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện có 123 vùng trồng, chiếm khoảng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đang ký tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc. Danh sách này đang được Hải quan Trung Quốc kiểm tra và phê duyệt. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc ước tính đạt gần 24 triệu USD, tăng 20% so với cùng kì 2021.
Mỹ cũng là một thị trường quan trọng với chủ yếu là các mặt hàng thanh long đạt 5,5 triệu USD, giảm 30% so với cùng kì 2021; sầu riêng đạt 6 triệu USD, tăng 14% và xoài đạt 4,2 triệu USD, tăng 11%.
Trong khi đó, Đài Loan lại ưa chuộng sầu riêng Việt Nam, riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã nhập gần 15 triệu USD sầu riêng, tăng gần gấp 3 lần giá trị nhập cùng kì năm 2021.
Một số thị trường đáng chú ý khác như Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang tích cực thúc đẩy nhập khẩu, mang đến nhiều khả năng đa dạng hóa thị trường cho trái cây Việt Nam.
Nguyên nhân khiến Trung Quốc giảm nhập một số loại trái cây
Nhìn chung, nguyên nhân chính của việc xuất khẩu trái cây giảm mạnh đến từ việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid” và liên tục siết chặt các quy định và biện pháp kiểm dịch áp dụng với các sản phẩm nhập khẩu, khiến việc mua bán và nhu cầu của người tiêu dùng với sản phẩm trái cây giảm đáng kể. Đặc biệt, từ ngày 1.1.2022 việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nước này đang lần lượt cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam nên việc xuất khẩu theo hình thức trao đổi hàng hóa của cư dân khu vực biên giới bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Một phần lớn trái cây từ Việt Nam được xuất khẩu theo hình thức thương mại biên giới thông qua các cửa khẩu không được thống kê hoặc không thể hiện trên số liệu hải quan. Do vậy, giá trị xuất khẩu thực tế có thể có chênh lệch so với số liệu BSA thu thập được.
Mặt khác, tương tự cùng kì năm trước, 6 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến nhiều sự kiện và biến động gây tác động lớn đến tình hình kinh tế và xuất nhập khẩu nói chung. Riêng đối với xuất khẩu trái cây, các biến động có ảnh hưởng bao gồm chiến sự Nga – Ukraine kéo theo giá năng lượng, nguyên vật liệu và các loại vật tư nông nghiệp tăng đột biến, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ngần ngại, lại còn phải thay đổi để giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa chi phí.
Ngoài ra, tổng hợp nhanh từ các đơn hàng xuất khẩu của các loại trái cây, BSAi nhận thấy có sự thay đổi ở điều kiện giao hàng và cách thức vận chuyển được sử dụng. Trong 6 tháng, Điều kiện giao hàng DAF (Delivered At Frontier – giao hàng tại biên giới) được ưu tiên sử dụng nhiều nhất, khoảng 36% số đơn hàng, chủ yếu cho thanh long, mít và xoài, nhưng sang năm 2022, điều kiện C&F (Cost and Freight – giá thành và cước phí) chiếm ưu thế hơn, ước tính có 48% đơn hàng sử dụng điều kiện này trong nửa đầu năm nay.
Điều kiện C&F cũng có thể mang lại một khoản lợi nhuận thêm vào cho doanh nghiệp từ phí hoa hồng khi giao dịch trực tiếp với công ty bảo hiểm. Về cách thức vận chuyển, tuy giá cước vận chuyển vẫn cao, vận chuyển đường biển vẫn được lựa chọn nhiều hơn trong 6 tháng đầu năm 2022, một phần do tình trạng hoạt động thiếu ổn định của các cửa khẩu biên giới.
Nguồn BSA