Khi ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho thấy hạt thuốc có kích cỡ siêu nhỏ, mịn, sử dụng ít nước, tiết kiệm thuốc và phân bón, giúp bảo vệ sức khỏe nông dân và môi trường nông thôn; kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên nông sản.
Thiết bị bay không người lái (unmanned aerial vehicle – UAV hay drone) được đánh giá là một công cụ mới có thể thúc đẩy tiềm năng trong việc đổi mới ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Tính tự động cao, vận hành đơn giản và an toàn
Với phương pháp phun thuốc BVTV truyền thống, mỗi nhân công phải đeo trên lưng bình thuốc trọng lượng từ 30-40 kg, thực hiện liên tục hai thao tác bơm áp lực cho thuốc và di chuyển cần xịt. Trung bình 1 ngày nhân công lành nghề cũng chỉ phun được khoảng 2ha.
Nhưng với thiết bị bay không người lái thì khác. Chỉ cần một người điều khiển, một người pha thuốc cùng một chiếc máy bay nhỏ gọn tốc độ 25-30 km/giờ thì mất khoảng 10 phút có thể phun được 1ha. Một ngày, mỗi chiếc có thể phun được 50ha.
Khi ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, ngoại trừ khâu đổ thuốc pha vào thiết bị, nhân công không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV. Họ chỉ cần đứng trên bờ, xa vị trí cần phun và bấm nút, thiết bị sẽ cất cánh, bay đến điểm phun và xịt thuốc đồng đều cho cây trồng.
Ưu điểm của loại thiết bị này là thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển, không cần đường băng để cất cánh hay hạ cánh mà có thể tận dụng ngay rìa đất hoặc nóc xe ô-tô.
Hơn nữa, drone có tính tự động cao, vận hành đơn giản, có hệ thống phun tự động chính xác và đồng đều, tự bay theo kế hoạch được thiết lập sẵn, ghi nhớ điểm phun và tự động nhận biết lượng thuốc trong bình khi gần hết. Người điều khiển dễ dàng chuyển hướng khi bay, xoay tròn cũng như thay đổi tốc độ một cách linh hoạt. Dễ dàng ứng dụng cho nhiều loại cây trồng và địa hình.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, thời gian gần đây ở nhiều địa phương, nhiều mô hình trồng lúa, mía, sen, ngô, cà chua, sầu riêng, điều, cao su, cây có múi (cam, bưởi, quýt)… cũng đã ứng dụng thiết bị bay không người lái này để phun thuốc BVTV và đạt kết quả tốt. Trong đó có thể kể đến nông trại chuối già Nam Mỹ (Cavendish banana) trồng công nghệ cao của Union Trading ở Hớn Quản, Bình Phước.
Tại nông trại, trung bình 2 tuần sẽ tiến hành cho drone phun thuốc một lần và mỗi lần hoàn thành mất khoảng 2-3 ngày. Các loại thuốc được Union Trading sử dụng cho cây trồng đều nằm trong danh mục thuốc BVTV đã được cấp phép. Công ty cam kết cung cấp chuối già Nam Mỹ chuẩn từ nông trại đến bàn ăn.
Năm 2022, nông trại và cơ sở đóng gói chuối già Nam Mỹ này đã đạt chứng nhân Global GAP uy tín toàn cầu. Bên cạnh hoạt động tự xuất khẩu đi Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc… Union Trading còn tham gia vào chuỗi cung ứng chuối cho công ty đa quốc gia Dole.
Một ưu điểm nữa của drone là sử dụng công nghệ phun áp lực, cắt nhỏ hạt thuốc thành dạng sương mù, kết hợp với các luồng gió đối lưu từ cánh quạt giúp thuốc tản đều, bám và thấm nhanh vào cây trồng ở cả mặt trên và dưới lá, cũng như tán, thân cây. Nhờ vậy, tránh được hiện tượng thuốc bị rơi rớt xuống ngấm vào đất và nước.
Khi xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, việc sử dụng drone để phun thuốc cũng sẽ giúp dập dịch nhanh, tiết kiệm được thời gian quản lý dịch hại, tăng hiệu suất lao động.
Tuy nhiên, theo ông Lê Dưỡng – Chủ tịch HĐTV Union Trading, không phải cứ ứng dụng máy móc như thiết bị bay không người lái này vào trồng trọt, sản xuất thì gọi là làm nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp 4.0).
Mà vấn đề quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao, theo ông Lê Dưỡng, chính là phải hiểu được đất, nước, các loại thuốc BVTV, tình hình thời tiết để từ đó áp dụng lên cây trồng một cách phù hợp; phải thực hiện đúng cam kết sản xuất, vì sức khỏe của người lao động và vì cả cộng đồng, môi trường xung quanh.
Xu hướng phổ biến và hiệu quả cho nông nghiệp châu Á và toàn cầu
Theo báo cáo “Dự báo về Thị trường thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp 2021-2026” phát hành gần đây của Industry ARC, thị trường drone nông nghiệp dự kiến đạt hơn 5,8 tỉ USD vào năm 2026.
Ở châu Á, việc ứng dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật đang ngày càng trở nên phổ biến bởi những lợi ích mà nó mang lại, có thể kể đến hiệu quả trong việc sử dụng các nguyên liệu đầu vào; nâng cao độ chính xác của việc phun thuốc; làm giảm lượng nước tiêu thụ; và ít phụ thuộc hơn vào nhân công, dẫn đến các chi phí liên quan thấp hơn.
Châu Á cũng là nơi có các trang trại với quy mô sản xuất nhỏ nhất và số lượng nông hộ nhỏ nhiều nhất trên thế giới. Ước tính có 85% trong số 525 triệu nông hộ sản xuất nhỏ trên thế giới đang sống và canh tác tại châu Á.
So với nông dân có quy mô nông trại lớn tại các nước phát triển, nông dân ở khu vực châu Á phải đối mặt với những thách thức đặc thù hơn như quyền sở hữu ruộng đất, khả năng tiếp cận tài chính, tình trạng thiếu nhân công và tính sẵn có của các công nghệ mới.
Thêm vào đó, những tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo ra thêm những khó khăn và khiến những khó khăn sẵn có mà nông dân nhỏ ở châu Á đang phải đối mặt trở nên trầm trọng hơn. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng Drone cho việc phun thuốc bảo vệ thực vật có khả năng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân khi vừa thúc đẩy sản xuất và nâng cao tính bền vững.
Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp đang là xu thế tất yếu hiện nay nhằm giải quyết nhu cầu lương thực đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu cùng lúc với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Khi được sử dụng một cách có trách nhiệm, những công nghệ như drone có thể làm thay đổi hoàn toàn việc sản xuất nông nghiệp của các nông hộ sản xuất nhỏ ở châu Á. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự tăng trưởng trong việc sử dụng drone ở khu vực phải tương thích với tiến trình xây dựng các quy định pháp lý hợp lý và dựa trên khoa học để hỗ trợ việc sử dụng có trách nhiệm công nghệ đó.
Tại Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật cho biết đã phối hợp với các hiệp hội, các đơn vị cung ứng drone, công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và các tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm đánh giá, khảo nghiệm cụ thể đối với các dạng thuốc, các cây trồng, sinh vật gây hại, hiệu lực sinh học và khả năng an toàn đối với cây trồng, vật nuôi và con người khi sử dụng thiết bị này.
Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ báo cáo Bộ NN-PT-NT để có những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng máy bay không người lái phun thuốc phù hợp, hiệu quả, an toàn.
Theo một nghiên cứu của Goldman Sachs, nông nghiệp được dự báo sẽ là ngành có mức độ ứng dụng drone lớn thứ 2 trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới.
Chỉ tính riêng tại Trung Quốc, số lượng Drone sử dụng trong nông nghiệp ước tính trong giai đoạn 2016 – 2017 là khoảng 13.000 thiết bị bay; tới năm 2021 thì số lượng là hơn 160.000 (tăng hơn 10 lần) với tổng diện tích ứng dụng ước tính là gần 87 triệu ha.
Sự thay đổi này còn được thúc đẩy nhanh chóng bởi các nước khác trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ – những nơi mà việc sử dụng drone đã mang lại nhiều cơ hội tiềm năng trong việc giải quyết các áp lực gia tăng về an ninh lương thực do tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, xu hướng già hoá dân số và quá trình đô thị hoá nhanh chóng.
Media Team tổng hợp