Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 9 tháng qua, xuất khẩu chuối và sầu riêng tăng mạnh với vị trí chỉ sau mặt hàng thanh long.
Theo Tổng cục Hải quan, ước tính trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 9.2022 đạt 250 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 2,45 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu chuối tiếp tục bám sát thanh long
Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu, thanh long vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với giá trị gần 463 triệu USD, nhưng kim ngạch đã giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
Thanh long là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả Việt Nam, với trên 1 tỉ USD/năm và thị trường chủ lực là Trung Quốc. Năm nay, thị trường này giảm mạnh nhập khẩu vì liên quan đến các chính sách phòng chống dịch Covid-19.
Sản phẩm chuối đứng ở vị trí thứ 2 với 237 triệu USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2021. Còn theo số liệu trước đó của BSAi, giá trị xuất khẩu chuối trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 260 triệu USD, tăng gần 60% so với cùng kì 2021. Trong đó, xuất khẩu riêng trong tháng 4.2022 đạt hơn 94 triệu USD, cao nhất từ đầu năm.
Nguyên nhân chủ yếu của việc xuất khẩu chuối tăng mạnh là biến động từ nguồn cung chuối nội địa Trung Quốc. Các chính sách về đất thuê nông nghiệp và chi phí lao động tăng khiến diện tích trồng chuối giảm. Dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối nội địa giảm mạnh, từ đó thúc đẩy nhập khẩu chuối Việt Nam.
Chuối là một trong những loại trái cây phổ biến nhất trên thế giới, phù hợp với thói quen tiêu dùng của đại đa số tầng lớp từ bình dân đến trung lưu. Đó cũng là loại trái cây Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất mỗi năm, chiếm khoảng gần 1/3 khối lượng nhập khẩu. Về giá trị, năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 900 triệu USD chuối, tăng gấp rưỡi so với năm 2017.
Nhờ thời gian bảo quản lâu, có thể lên tới 45 ngày, các container chuối thường được vận chuyển theo đường biển do giá rẻ hơn và cập bến tại các khu chế xuất Trung Quốc, vốn ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Mùa Đông – Xuân là lúc khí hậu ở Quảng Tây, tỉnh tiếp giáp với miền Bắc Việt Nam, có nền nhiệt thấp, không thích hợp để trồng chuối.
Đó là lý do khiến quả chuối Việt Nam, vốn được trồng ở các tỉnh phía Nam ấm áp được xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc trong thời gian này, mà hầu như không chịu ảnh hưởng đáng kể nào từ dịch bệnh Covid-19.
Xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng mạnh nhất
Trở lại với các ngành hàng rau quả tươi xuất khẩu, thì tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian này phải nói đến quả sầu riêng với 68%, đạt 158 triệu USD.
Đa số doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nhận định, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Nguyên nhân là từ giữa tháng 9, Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Và sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc so với sản phẩm của Thái Lan hay Malaysia.
Cũng trong nhóm quả tươi thì chanh leo (chanh dây) và chanh cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh từ 19-22%.
Bên cạnh ngành hàng rau quả tươi, xuất khẩu của nhóm sản phẩm chế biến cũng tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 661 triệu USD. Đây được đánh giá là chủng loại cần được đẩy mạnh xuất khẩu bởi nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là các thị trường cao cấp, tuy nhiên Việt Nam mới chỉ đáp ứng được tỷ trọng thấp.
Một điều đáng lưu ý nữa là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.
A.Thư tổng hợp từ TNO, Thế giới Hội nhập, Nhà Quản Lý