Theo khoa học, mỗi giai đoạn phát triển của chuối sẽ có những lợi ích sức khỏe khác nhau. Bên cạnh đó, tùy vào tình trạng sức khỏe mà việc nên ăn chuối xanh hay chuối chín vàng cũng khác nhau.
Những ai nên ăn chuối xanh?
Người bệnh tiểu đường: Bác sĩ Cijith Sreedhar – Giám đốc Phòng khám Y học Prakriti Shakti (Kerala, Ấn Độ) cho biết bệnh nhân tiểu đường nên ăn chuối xanh vì nó chứa nhiều tinh bột kháng, có chức năng giống như chất xơ hòa tan và bổ sung lượng lớn vào thức ăn, theo Indian Express.
Bạn có thể đọc bài viết Cách ăn chuối tốt nhất cho người bệnh đái tháo đường để tìm hiểu kỹ hơn.
Theo đó, người bệnh đái tháo đường được khuyên là nên chọn chuối xanh, chuối ương hoặc chuối gần chín, không nên ăn chuối chín quá. Mỗi lần chỉ nên ăn 1 quả nhỏ – trung bình hoặc ½ quả lớn, không nên ăn quá nhiều một lúc.
Người có mức cholesterol cao: Một đánh giá vào tháng 6.2018 trong nghiên cứu mang tên Nghiên cứu Dinh dưỡng cho thấy tinh bột kháng có tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần và cholesterol xấu LDL. Vì vậy, người có mức cholesterol cao nên ăn chuối xanh, theo Indian Express.
Ngoài ra, tinh bột kháng trong chuối xanh có tác dụng như chất xơ, mang lại những lợi ích sức khỏe như sau:
Hỗ trợ hệ thống miễn dịch: Chất xơ là thức ăn của vi khuẩn trong cơ thể. Cơ thể chứa đầy vi khuẩn, với 98% vi khuẩn trong cơ thể là vi khuẩn có lợi và đa số hoạt động của cơ thể phụ thuộc vào chúng.
Hỗ trợ sức khỏe đường ruột: Sức khỏe đường ruột được xác định bởi các axit béo chuỗi ngắn – loại axit có rất ít trong thực phẩm ăn vào. Chính vi khuẩn sẽ chuyển đổi chất xơ hoặc tinh bột kháng thành axit béo chuỗi ngắn cần thiết này để ngăn ngừa các bệnh mạn tính, theo Indian Express.
Chống ung thư: Các nhà khoa học tại Đại học Newcastle và Leeds (Anh) đã nghiên cứu khoảng 1.000 người mắc hội chứng Lynch – một bệnh di truyền gây ra ung thư. Các phát hiện được công bố trên tạp chí y khoa về phòng chống ung thư Cancer Prevention Research, nhấn mạnh rằng bổ sung tinh bột kháng hằng ngày với liều lượng bằng 1 quả chuối hơi xanh trong khoảng thời gian 2 năm, có thể giảm đến 2/3 số ca ung thư, theo Indian Express.
Các bác sĩ còn khuyên nên ăn chuối vào bữa ăn phụ, cách xa bữa chính khoảng 2 giờ. Không nên kết hợp chuối với bữa tối hay trong một bữa ăn giàu tinh bột (carbohydrate). Nếu muốn ăn chuối ngay sau bữa cơm bạn cần bớt đi lượng tinh bột khoảng 1/3 bát cơm.
Bạn cũng có thể ăn chuối với các thực phẩm khác, chẳng hạn như thêm chuối vào món salad với các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp khác là một cách khéo léo để bổ sung dinh dưỡng từ chuối mà không có nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu.
Hoặc thưởng thức chuối với các loại hạt hoặc sữa chua, để giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường. Không ăn chuối cùng với các loại bánh kẹo hay nước ngọt.
Những ai nên ăn chuối chín?
Người không có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay cholesterol cao: Những người này có thể ăn chuối chín, đặc biệt là chuối chín vàng. Chuối chín rất giàu dưỡng chất thực vật và chất chống oxy hóa, có thể ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Người mất ngủ: Chuối chín vàng có hàm lượng tryptophan cao và làm tăng nồng độ “hoóc môn ngủ” serotonin – giúp ngủ ngon hơn.
Phụ nữ tiền mãn kinh: Chuối chín rất giàu vitamin B6, giúp giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt ở phụ nữ, theo Indian Express.
Theo TNO (ảnh minh họa từ Internet)