Sản lượng xuất khẩu chuối Việt Nam sang Trung Quốc bất ngờ tăng vọt, trong khi sản lượng xuất khẩu nhiều loại nông sản khác lại giảm.
Theo thống kê của Hiệp hội Rau – Quả Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Philippines với 28%.
Giám đốc một công ty xuất khẩu chuối ở Long An cho biết tuy khó khăn do chính sách “zero Covid-19” của Trung Quốc nhưng sản lượng chuối xuất khẩu của công ty sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, giám đốc một công ty xuất khẩu chuối ở Hưng Yên cũng cho biết 5 tháng qua công ty của mình đã xuất khoảng 500 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc, tăng 100% so với năm 2021. Trong đó, giá thu mua tại vườn của nông dân dao động từ 5.000-8.000 đồng tùy thời điểm, so với giá 3.000 đồng cùng kỳ năm ngoái.
Được cấp chứng nhận GlobalGAP cho vùng trồng tại Bình Phước năm 2022, Union Trading hiện cũng là nhà xuất khẩu chuối già Nam Mỹ thành công sang các thị trường Hàn Quốc, Trung Đông, Trung Quốc…
Về nguyên nhân Trung Quốc gia tăng nhập khẩu chuối từ thị trường Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau – Quả Việt Nam, cho rằng yếu tố thuận lợi đầu tiên là nước ta có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước xuất khẩu chuối khác.
Thêm vào đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng khiến nông dân bớt mặn mà với việc trồng chuối. Ảnh hưởng của dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh.
Khẳng định Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với nông sản Việt Nam, ông Nguyên nhận định: Nếu Trung Quốc khống chế tốt dịch Covid-19 và nới lỏng giãn cách, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này rất lớn.
“Nửa cuối năm 2022 xuất khẩu các mặt hàng rau quả có thể tăng trở lại nếu Trung Quốc nới lỏng giải pháp chống dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu các loại quả như thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối… có thể tăng mạnh. Đặc biệt, chuối đang là mặt hàng xuất khẩu được Trung Quốc ưa chuộng”, ông Nguyên nhận định.
Tuy nhiên, để gia tăng thị phần, các mặt hàng nông sản Việt Nam cần được cải thiện chất lượng, doanh nghiệp rất cần mã vạch vùng trồng, mã đóng gói, nhà máy xử lý…
Mặc dù sản lượng xuất khẩu chuối qua Trung Quốc tăng mạnh, các doanh nghiệp vẫn cho rằng giá xuất đi không cao, trong đó chi phí đóng gói, logictis đã là 12.000-13.000 đồng mỗi kg nên doanh nghiệp thu về lãi thấp.
Các doanh nghiệp dự báo sản lượng xuất khẩu chuối 6 tháng cuối năm sẽ còn tăng mạnh do thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao về sản phẩm này, kéo theo giá chuối biến động mạnh.
Tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”, diễn ra sáng 8/6, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết: trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt hơn 1,4 USD, giảm 17% so với 5 tháng đầu năm 2021.
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2022 sang thị trường Trung Quốc đạt chỉ 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác vẫn tăng, đáng chú ý, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hoa Kỳ tăng 52%.
Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc khiến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm 2022 giảm sâu.
Media Team tổng hợp từ VNE, LĐO, Công Thương