Việc Union Trading đủ điều kiện để được cấp mã vùng trồng là tín hiệu rất đáng mừng vì sắp tới Hớn Quản – Bình Phước sẽ có thêm sản phẩm đủ điều kiện để xuất khẩu.
Trang facebook của Nông nghiệp Hớn Quản tỉnh Bình Phước (Đài phát thanh) đăng thông tin cho biết, ngày 10.9, “đoàn công tác của Sở NN-PT-NT tỉnh Bình Phước do ông Nguyễn Đình Thanh chuyên viên của Sở và các thành viên (phụ trách lĩnh vực bảo vệ thực vật) đã đến thăm và làm việc với Công ty TNHH TMDV Union Trading trên địa bàn xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước).
Tại đây, Công ty Union Trading đang trồng 80ha chuối xen canh vườn cao su và đang mở rộng thêm 75ha đất trồng chuối. Hiện có khoảng 80 công nhân là người địa phương tham gia lao động tại đây.
Quy trình trồng chuối được Union Trading thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chăm sóc vùng nguyên liệu chuối thương phẩm để xuất khẩu.
Qua kiểm tra hồ sơ và thực tế tại vườn cây, đoàn cho biết Union Trading đủ điều kiện để được cấp mã vùng trồng. Đây là tín hiệu rất đáng mừng vì sắp tới Hớn Quản – Bình Phước sẽ có thêm sản phẩm đủ điều kiện để xuất khẩu ra các nước trên thế giới”.
Sản phẩm chuối mà Union Trading đang trồng tại nông trại ở Hớn Quản-Bình Phước là chuối già Nam Mỹ (Cavendish banana), vốn là loại chuối đang được ưa thích nhất trên thế giới với hàm lượng dinh dưỡng rất cao.
Bên dưới là các ảnh về buổi làm việc của đoàn công tác Sở NN-PT-NT Bình Phước tại vùng trồng chuối của Union Trading ở huyện Hớn Quản (nguồn từ facebook của Nông nghiệp Hớn Quản tỉnh Bình Phước).
Hiện nay, để được xuất khẩu nông sản như chuối già Nam Mỹ sang các thị trường như Trung Quốc, doanh nghiệp đều phải đăng ký đầy đủ thông tin về vùng trồng, xưởng sản xuất, bao bì đựng… gửi cho hải quan nước họ.
Nhằm thích ứng với quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà vườn, cơ sở sản xuất kinh doanh dễ dàng xuất khẩu, thông quan hàng hóa, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ cấp mã vùng trồng cho các loại trái cây được phép nhập khẩu vào một số thị trường.
Theo Ban Xúc tiến Xuất khẩu Nông sản (thuộc Viện Khoa học Ứng dụng Công nghệ cao), mã vùng trồng là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Để được cấp mã vùng trồng, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy chuẩn sau:
- 1. Về diện tích vùng trồng
Đối với vùng trồng cây ăn quả, diện tích từ 5 – 12 ha/ mã số. /diện tích tối thiểu 5ha/mã số
Đối với vùng trồng rau, hoa màu: diện tích tối thiểu 500 mét vuông /mã số - 2. Điều kiện canh tác trong vùng xin cấp mã số
Vùng trồng áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch (chuẩn VietGap càng tốt)
Là vùng sản xuất tập trung, hạn chế chăn thả gia súc, gia cầm bên trong.
Vùng trồng xin cấp mã số chỉ trồng duy nhất 1 giống cây trồng. Không trồng xen các loại cây trồng khác hoặc cây trồng là ký chủ của loài dịch hại. - 3. Yêu cầu về sổ sách ghi chép
Phải có sổ sách để ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ canh tác (nhật ký đồng ruộng) như thời điểm phun thuốc, làm cỏ, tưới, bón phân,… - 4. Vệ sinh đồng ruộng
Vùng trồng cây xin cấp mã số phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ
Bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải có bể chứa để tập kết. - 5. Về sinh vật gây hại trong vùng trồng
Tổ chức, cá nhân xin cấp mã số vùng trồng cần áp dụng các biện pháp quản lý và phòng trừ dịch hại để hạn chế sinh vật gây hại thông thường, đảm bảo không có sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA). - 6. Về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vùng trồng
Vùng trồng xin cấp mã số chỉ sử dụng thuốc BVTV theo danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Đảm bảo không sử dụng các hoạt chất cấm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. - 7. Xác định vị trí vùng trồng
Lấy định vị GPS tại vị trí trung tâm của khu vực sản xuất và 4 điểm tọa độ ở các góc của vùng trồng (sao cho các điểm tọa độ bao quanh vùng trồng), vị trí các điểm tọa độ tùy theo hình dạng của vùng trồng. - 8. Lấy mẫu, giám định mẫu, điều tra
Cục Bảo vệ Thực vật tiến hành điều tra, thu mẫu và giám định thành phần dịch hại trên vùng trồng xin cấp mã (theo quy định cấp mã số vùng trồng mới hiện hành). - 9. Trả kết quả
Sau khi kết thúc quá trình kiểm tra, giám sát, hoàn thiện mọi thông tin về vùng trồng xin cấp mã số. Bao gồm cả quá trình thực địa và xác định thành phần sinh vật gây hại trong vùng trồng, hồ sơ của cá nhân, doanh nghiệp sẽ được xem xét và trả kết quả.
Bộ trưởng Bộ NN-PT-NT Lê Minh Hoan từng nhận định, mã vùng trồng sẽ tích hợp được thông tin mùa vụ, thông qua đó để chuyển hóa, thay đổi hành vi sản xuất nông sản chất lượng hơn. Đã trồng trọt ở vùng nông sản thì phải xây dựng mã số vùng trồng. Qua đó, có thể số hóa dữ liệu để hướng đến sản xuất trồng trọt; làm chủ con số thống kê để phân tích, khuyến cáo trong sản xuất; từ đó tránh gặp phải câu chuyện diện tích tăng không theo định hướng của ngành.
Media Team (Union Trading)