Chưng mâm ngũ quả ngày Tết là một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Trước là thờ cúng tổ tiên, sau là ước mong cho một năm mới an khang, thịnh vượng hơn năm trước.
Trong mâm ngũ quả ngày Tết, mỗi loại quả khi bày trên bàn thờ tổ tiên, thông qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp, đều có ý nghĩa riêng, mang “trọng trách” là nơi gửi gắm ước nguyện của mỗi người, mỗi gia đình.
Bên cạnh đó, chữ “ngũ” trong “mâm ngũ quả” còn thể hiện cho ước muốn ngũ phúc lâm môn “Phúc – Quý – Thọ – Khang – Ninh” của người Việt.
- Phú: Giàu có, nhiều của cải
- Quý: Phẩm chất sang trọng
- Thọ: Sống lâu trăm tuổi
- Khang: Có nhiều sức khỏe
- Ninh: Cuộc sống bình an
Còn trong Phật giáo (đại thừa), 5 màu sắc của mâm ngũ quả tượng trưng cho “ngũ thiện căn” là tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
Ngày nay, mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt ở nhiều gia đình mang ý nghĩa về trang trí hơn là chỉ mang ý nghĩa tâm linh như ông bà ngày xưa. Dưới đây là một số loại quả thường được người Việt chưng trong mâm ngũ quả ngày nay:
- Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, cùng nhau đón nhận may mắn,cùng bao bọc và chở che cho nhau
- Phật thủ: Tượng trưng cho bàn tay Phật che chở cho cả gia đình
- Bưởi: Tượng trưng cho mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng
- Dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến cả trong công việc và tình cảm
- Cam / quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt phát triển đi lên
- Lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ gặp nhiều may mắn
- Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đề huề
- Đào: Thể hiện sự thăng tiến vượt bậc trong công việc
- Táo: Phú quý, giàu sang
- Thanh long: Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc
- Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn và duyên thầm
- Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe và tiền bạc, động lực phấn đấu
- Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy, ấm no chan hòa
- Xoài (phát âm như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài thoải mái không thiếu thốn
Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
Đối với người dân miền Bắc, một mâm ngũ quả đẹp, đúng chuẩn phải có đầy đủ các loại trái cây như: chuối, bưởi, phật thủ, sung, hồng, quất cảnh, ớt, dứa… với màu sắc rực rỡ nhưng phải hài hòa, đảm bảo đúng theo Ngũ hành:
- Kim – màu trắng
- Mộc – màu xanh lá
- Thủy – màu đen
- Hỏa – màu đỏ
- Thổ – màu vàng
Chuối trong mâm ngũ quả được bày theo nải, nhiều gia chủ quan niệm nhất định là nải chuối xanh, tượng trưng cho sự quần tụ, sum vầy, đầm ấm. Bưởi có màu vàng, tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn.
Cũng có một số gia đình thay bưởi bằng quả phật thủ (tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ).
Quả quất cảnh, quả hồng hay ớt đỏ được tô điểm xung quanh mâm ngũ quả vì có màu đỏ, vàng rực rỡ – biểu tượng cho sự may mắn, thành đạt. Còn quả dứa có mùi thơm đặc trưng, thể hiện mong ước về một năm mới an lành và nhiều phúc lộc.
Người miền Bắc thường bày mâm ngũ quả kiểu đặt nải chuối xanh ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ các loại quả còn lại, chính giữa đặt bưởi, phật thủ hoặc là mãng cầu, các loại quả khác nhau đào, hồng, quýt, táo thì đặt ở xung quanh, ở chỗ trống thì có thể xen kẽ ớt, quất.
Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung
Dải đất miền Trung thường gặp phải thiên tai, bão lũ, hạn hán quanh năm nên đất đai cũng không được màu mỡ, ít cây trái. Vì vậy, mâm ngũ quả của người miền Trung rất đơn giản, không câu nệ hình thức, có gì cúng nấy, miễn thành tâm là được.
Các loại trái cây thường thấy trong mâm ngũ quả của người miền Trung là: Thanh long – Chuối – Dưa hấu – Mãng cầu – Dứa – Sung – Cam – Quýt
Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam
Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu – Sung – Dừa – Đu đủ – Xoài
Cách trang trí mâm ngũ quả miền Nam thông dụng nhất là đặt đu đủ, dừa, xoài lên mâm trước do có hình dáng to và khá nặng để đỡ các loại trái khác rồi sau đó mới lần lượt bày những loại quả còn lại lên.
A.Thư tổng hợp